Bộ Giáo dục và đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm 2021, chốt thời gian thi diễn ra trong 2 ngày, dự kiến vào ngày 7 và 8-7-2021.
Theo hướng dẫn, chiều 6-7, thí sinh tập trung tại điểm thi để làm thủ tục dự thi. Kỳ thi diễn ra trong ngày 7 và 8-7 và có một ngày kế tiếp để dự phòng.
Thời gian đăng ký dự thi, nhận phiếu đăng ký dự thi, nhập dữ liệu thí sinh từ ngày 27-4 đến hết trước ngày 11-5.
Thí sinh cần căn cước công dân
Một trong những điểm cần lưu ý là khi làm thủ tục dự thi, thí sinh phải có căn cước công dân. Các sở giáo dục và đào tạo, các trường phổ thông hướng dẫn để học sinh có căn cước công dân trước khi nộp phiếu đăng ký dự thi.
Trong trường hợp không có căn cước công dân thì hệ thống quản lý thi sẽ gán cho thí sinh một mã số gồm 12 ký tự để quản lý. Những thí sinh muốn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng thì phải đăng ký số điện thoại, email của mình khi đăng ký dự thi.
Bộ Giáo dục và đào tạo lưu ý thí sinh đã đăng ký sơ tuyển phải dùng căn cước công dân thống nhất khi đăng ký dự thi và đăng ký sơ tuyển. Sau khi nộp phiếu đăng ký dự thi, thí sinh sẽ được đơn vị đăng ký dự thi cấp một tài khoản (là số căn cước công dân) và mật khẩu để đăng nhập vào hệ thống QLT qua Internet tại địa chỉ //thisinh.thitotnghiepthpt.savvov.com.
Tài khoản này được thí sinh dùng để đăng nhập vào hệ thống quản lý thi từ khi đăng ký dự thi đến khi xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Để bảo mật thông tin, khi nhận được tài khoản và mật khẩu thí sinh nên thay đổi ngay mật khẩu.
Thí sinh cần phải bảo mật tài khoản và mật khẩu của mình. Trong trường hợp thí sinh quên tài khoản và mật khẩu thì có thể liên hệ với đơn vị đăng ký dự thi để được cấp lại.
Theo lịch đã chốt, ngày 26-7-2021, các hội đồng thi phải công bố kết quả thi. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất là vào 28-7.
Thí sinh chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp
Thí sinh là học sinh lớp 12 phải dự thi 4 bài thi để xét tốt nghiệp THPT gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh học hệ giáo dục thường xuyên phải dự thi 3 bài thi gồm Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội, do thí sinh chọn. Thí sinh có thể dự thi thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả tuyển sinh.
Thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp) được đăng ký dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc môn thành phần của bài thi tổ hợp.
Trong 5 bài thi, chỉ có bài Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh được chọn dự thi 1 trong 7 ngôn ngữ sau: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn. Thí sinh được đăng ký thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông; thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên được đăng ký dự thi bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Các trường hợp thí sinh được miễn thi bài thi Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT: Thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo.
Thí sinh dự thi đủ các bài thi/môn thi quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật hủy kết quả thi thì được bảo lưu điểm thi để xét tốt nghiệp trong kỳ thi năm liền kề kế tiếp.
Bài thi/môn thi được bảo lưu điểm gồm: bài thi độc lập (Ngữ văn, Toán) đạt từ 5,0 điểm trở lên; bài thi tổ hợp đạt từ 5,0 điểm trở lên, trong đó các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp đạt trên 1,0 điểm; môn thi thành phần của bài thi tổ hợp đạt 5.0 điểm trở lên.